ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 28/07/2021

28/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, lên 791,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 122,27 tỷ USD), theo số liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 27/7. Trong tháng 5, mức lợi nhuận này tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Diễn biến này hé lộ một số điểm yếu trong sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo Reuters. Dữ liệu về lợi nhuận sản xuất công nghiệp Trung Quốc được tổng hợp từ các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh thu hàng năm từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt trên 20 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 3 triệu USD). Nền kinh tế Trung Quốc phần lớn đã phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức mới trong vài tháng gần đây, đơn cử như chi phí nguyên liệu thô tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu bị rạn nứt.

Tính đến cuối giờ chiều (27/7), thủ đô Tokyo, Nhật Bản ghi nhận 2.848 ca mắc mới trong một ngày. Đây là số ca mắc mới cao và phá vỡ mọi kỷ lục từ trước tới nay. Số bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Trong một tuần qua, số ca mắc đều ở mức trên 1.000 ca trong một ngày, chưa kể một số ca mắc trong các làng vận động viên đang tham dự Olympic Tokyo 2020. Ngoài Tokyo, các tỉnh lân cận như Chiba, Kanagawa và Osaka cũng có số ca mắc cao so với các tỉnh thành khác. Ngày 26/7, toàn Nhật Bản có 4.692 ca mắc mới. Tổng số ca mắc cho tới nay là 876.138, số ca tử vong là 15.153 ca. Nhật Bản đang rất lo lắng trước diễn biến phức tạp của biến chủng mới Delta. Đến nay, riêng Tokyo đã có 940 ca mắc chủng này, dự báo sẽ tăng trong những ngày tới, đặc biệt là sau Olympic Tokyo 2020. Ban Tổ chức Thế vận hội mùa Hè Olympic Tokyo cũng cho biết, trong ngày hôm nay có thêm 2 vận động viên mắc Covid-19. Ngoài ra thêm một số thành viên ban tổ chức và người có liên quan đến Thế vận hội cũng mắc bệnh, tổng cộng có 7 ca mắc trong ngày 27/07.

Giá dầu Brent tương lai giảm 2 cent xuống 74,48 USD/thùng, kết thúc đợt tăng liên tiếp 6 phiên. Giá dầu WTI tương lai giảm 26 cent, tương đương 0,4%, xuống 71,65 USD/thùng. Tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm tinh chế tại Mỹ trong tuần trước giảm, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết. Cụ thể, trong tuần kết thúc ngày 23/7, tồn kho dầu thô giảm 4,7 triệu thùng, xăng giảm 6,2 triệu thùng còn sản phẩm tinh chế giảm 1,9 triệu thùng. Số liệu chính thức sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố ngày 28/7.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 85,79 điểm, tương đương 0,24%, xuống 35.058,52 điểm. S&P 500 giảm 20,84 điểm, tương đương 0,47%, xuống 4.401,46 điểm. Nasdaq giảm 180,14 điểm, tương đương 1,21%, xuống 14.660,58 điểm. Đây là phiên giảm sâu nhất của Nasdaq kể từ ngày 12/5. Cổ phiếu Apple, Microsoft và Alphabet, đều công bố kết quả kinh doanh quý II sau khi thị trường đóng cửa, kéo tụt Nasdaq và S&P 500. Amazon dự kiến ra thông tin lợi nhuận vào cuối tuần. Cổ phiếu Tesla giảm 2%, một ngày sau khi công ty này ghi nhận lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng nhưng cảnh báo tình trạng thiếu chip toàn cầu khiến hãng phải tạm thời đóng cửa nhà máy vẫn nghiêm trọng. Cổ phiếu các công ty công nghệ gần đây đều tăng và giành lại vị thế dẫn dắt thị trường trong tuần trước, khiến kết quả kinh doanh quý II của nhóm này càng đáng chú ý. Bất ổn trên thị trường gia tăng khi Fed bắt đầu hai ngày họp chính sách. Nhà đầu tư đang tìm kiếm tín hiệu về việc khi nào Fed sẽ siết chương trình hỗ trợ khổng lồ hiện tại.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu giảm vào thứ Ba khi các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi thu nhập của các công ty và sự lây lan của Covid-19 trên khắp lục địa. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,4%. Cổ phiếu Ô tô giảm 1,2% khi tất cả các ngành và sàn giao dịch chính đều giao dịch tiêu cực.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,98%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,49% còn Topix tăng 0,64%. Thị trường Trung Quốc đại lục bị bán mạnh với Shanghai Composite giảm 2,49%, Shenzhen Component giảm 3,672%. Hang Seng của Hong Kong giảm 4,22%, giảm hơn 8% chỉ trong hai phiên đầu tuần do lo ngại Bắc Kinh thắt chặt quản lý với lĩnh vực công nghệ và giáo dục tư nhân. Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn của Trung Quốc tại Hong Kong vẫn chịu áp lực bán sau phiên lao dốc đầu tuần. Tencent giảm 8,98%, Alibaba giảm 6,35% còn Meituan giảm 17,66%. Chỉ số Hang Seng Tech giảm 7,97%. Lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc tháng 6 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu chính thức. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,24%. ASX 200 của Australia tăng 0,5%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 27/07, VN-Index tăng nhẹ 4,22 điểm (0,33%) lên 1.276,93 điểm. Toàn sàn có 206 mã tăng, 166 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,12 điểm (1,03%) lên 306 điểm. Toàn sàn có 105 mã tăng, 76 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,9 điểm (1,07%) lên 84,77 điểm.

Việc các chỉ số chỉ tăng điểm nhẹ vào cuối phiên do áp lực bán bất ngờ dâng mạnh sau giờ nghỉ trưa và khiến hàng loạt cổ phiếu lớn giảm trở lại, trong đó, VHM giảm 1,6%, MWG giảm 1,4%, VNM giảm 1,6%, VCB giảm 1%...

Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 19.600 tỷ đồng, tăng 19,5%, trong đó, riêng sàn HoSE là 16.400 tỷ đồng, tăng 15,9%.

Khối ngoại mua ròng trở lại 328 tỷ đồng trên HoSE chủ yếu nhờ thỏa thuận của AGG. Phiên hôm nay AGG được kéo lên mức giá trần 54.100 đồng/cp.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trong phiên giao dịch sáng 27/7, sự đồng lòng của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường tăng mạnh ngay khi mở cửa. Chỉ số VN-Index ngay lập tức được kéo lên mốc 1.285 điểm khi ghi nhận mức tăng hơn 10 điểm. Dù sau đó thị trường có hạ độ cao chút ít do một số trụ cột không giữ được phong độ nhưng với diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng, thép, dầu khí, chứng khoán…, đã giúp VN-Index đứng vững trên ngưỡng 1.280 điểm. Thị trường tiếp tục nhích lên phiên chiều và tiến lên gần 1.290 điểm, tuy nhiên, không lâu sau khi giao dịch trở lại, áp lực bán đã gia tăng khiến nhiều cổ phiếu bluechip thu hẹp đà giảm, thậm chí một số còn đảo chiều xuống dưới tham chiếu đã khiến VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng khi đóng cửa. Chỉ số VN-Index sau nhịp điều chỉnh mạnh từ mức 1.425 điểm đã cho thấy dấu hiệu tạo đáy và ổn định xung quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh trung dài hạn 1.270 điểm của đường EMA 100. Theo đó, nếu VN-Index tiếp tục duy trì được trạng thái ổn định và cân bằng tại ngưỡng hỗ trợ này, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng giải ngân vào nhóm các cổ phiếu hiện đang là điểm nhấn khi có diễn biến thu hút dòng tiền tốt.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội