ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 16/07/2021

16/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Các biến chủng mới có khả năng cao sẽ tiếp tục xuất hiện và lây lan trên toàn cầu. Chúng rất đáng lo ngại và có thể nguy hiểm hơn, gây ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát”. “Đại dịch còn lâu mới kết thúc”, đại diện từ ủy ban ứng phó khẩn cấp tuyên bố sau một cuộc họp ngày 14/7. Cơ quan này cũng cảnh báo những điều tồi tệ vẫn còn ở phía trước, AFP đưa tin. Chủ tịch ủy ban ứng phó khẩn cấp của WHO, ông Didier Houssin, thừa nhận với các phóng viên rằng “xu hướng dịch bệnh trong thời gian gần đây là đáng lo ngại”. Sau một năm rưỡi kể từ khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, ông Houssin nhận định: “Chúng ta vẫn chưa đuổi kịp tốc độ của virus và virus vẫn đang ám ảnh chúng ta”. Hiện thế giới ghi nhận bốn biến chủng phổ biến liên quan đến dịch Covid-19. Chúng gồm biến chủng Alpha, Beta, Gamma và biến chủng siêu lây nhiễm Delta được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. WHO coi các biến chủng là “đáng lo ngại” khi chúng có khả năng lây nhiễm và sát thương cao, hoặc chúng có thể vô hiệu hóa một số biện pháp miễn dịch như tiêm vaccine.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II/2021 thấp hơn kỳ vọng, trong khi doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn dự báo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý II/2021 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay 15/7. Tuy vậy, mức tăng trưởng quý II thấp hơn so với ước tính tăng 8,1% được Reuters đưa ra trước đó. So với quý I/2021, GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 1,3%. Trước đó, GDP quý I của Trung Quốc đã tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự báo 11% được Reuters đưa ra. Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong hai tháng đầu tiên của quý II. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 8,3%, cao hơn ước tăng 7,8% trước đó. Còn theo công bố của Cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 6 đã tăng cao hơn dự kiến lên mức 32,2%.

Hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp Mỹ trong nhiều lĩnh vực từ thực phẩm đến thời trang kêu gọi không dùng biện pháp thuế trong giải quyết các vấn đề liên quan thương mại với Việt Nam. USTR đang điều tra với gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và cân nhắc có nên áp thuế liên quan hành vi tiền tệ của Việt Nam hay không. Các hiệp hội, tổ chức của doanh nghiệp Mỹ cho rằng không có đủ bằng chứng Việt Nam có hành vi không phù hợp trong những vấn đề trên, cảnh báo biện pháp thuế sẽ làm xói mòn mối quan hệ với một đối tác quan trọng này. Việt Nam gần đây nổi lên là thị trường cung cấp nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp đầu vào quan trọng cho các nhà sản xuất Mỹ. “Áp thuế đối với những sản phẩm này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ”. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với giá trị thương mại tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Ở chiều ngược lại, Hà Nội là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 13 của Washington.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 53,79 điểm, tương đương 0,15%, lên 34.987,02 điểm. S&P 500 giảm 14,27 điểm, tương đương 0,33%, xuống 4.360,03 điểm. Nasdaq giảm 101,82 điểm, tương đương 0,7%, xuống 14.543,13 điểm. Cổ phiếu các công ty công nghệ bị bán mạnh, Nvidia giảm 4,4%, Amazon giảm hơn 1%, Facebook giảm 0,9%. S&P 500 công nghệ mất 0,8%, kết thúc đợt tăng liên tiếp 4 ngày. Hồi đầu tuần, nhà đầu tư thích cổ phiếu tăng trưởng, giúp đưa S&P 500 và Nasdaq lên đỉnh. S&P 500 năng lượng giảm 1,4% theo đà đi xuống của giá dầu. Số liệu cho thấy số người dân Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần trước xuống thấp nhất 16 tháng. Tình trạng thiếu nhân công và nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng cản trở nỗ lực tăng cường sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, dịch vụ. Chủ tịch Fed Jerome Powell dự báo tình trạng thiếu nhân công và lạm phát cao sẽ dần biến mất. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại lạm phát kéo dài có thể khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 0,2% sau khi công bố lợi nhuận quý II vượt kỳ vọng, thúc đẩy bởi hoạt động ngân hàng đầu tư. Mùa báo lợi nhuận quý II bắt đầu tuần này với ước tính các công ty trong S&P 500 có kết quả tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Refinitiv.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa giảm điểm vào thứ Năm, do các công ty năng lượng kéo xuống trong bối cảnh giá dầu thô giảm và cảnh báo lợi nhuận từ Siemens Gamesa. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa giảm 1%, với các kho dự trữ dầu khí giảm 2,7% sau khi OPEC + được cho là đã đạt được thỏa thuận về mức sản lượng dầu trong tương lai . Trong khi đó, công ty năng lượng gió Tây Ban Nha-Đức Siemens Gamesa đã giảm hơn 14% xuống đáy của chỉ số blue chip châu Âu. Công ty mẹ Siemens Energy cũng giảm hơn 11%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,82%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,15% còn Topix giảm 1,2%. Thị trường Trung Quốc chốt phiên tăng với Shanghai Composite tăng 1,02% còn Shenzhen Component giảm tăng 0,751%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,85%. GDP Trung Quốc quý II tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn dự báo tăng 8,1% từ giới phân tích. Doanh số bán lẻ tháng 6 tăng 12,1%, vượt ước tính tăng 11%. Sản lượng công nghiệp tháng 6 cũng vượt kỳ vọng, tăng 8,3%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,66%. Ngân hàng Hàn Quốc ngày 15/07 quyết định giữ nguyên lãi suất ở 0,5% như dự báo từ thị trường. ASX 200 của Australia giảm 0,26%. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 của Australia giảm còn 4,9% sau khi điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 15/07, VN-Index tăng 14,01 điểm (1,09%) lên 1.293,92 điểm. Toàn sàn có 287 mã tăng, 82 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 9,46 điểm (3,19%) lên 306,3 điểm. Toàn sàn có 139 mã tăng, 65 mã giảm và 164 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (0,5%) lên 84,98 điểm. 

Dòng tiền được đẩy mạnh vào cuối phiên và giúp thanh khoản cải thiện hơn nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.500 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh đạt gần 17.000 tỷ đồng (giảm 13%), riêng sàn HoSE là 14.100 tỷ đồng (giảm 17,3%).

Khối ngoại mua ròng hơn 700 tỷ đồng trên HoSE và tập trung các mã HPG, SSI, STB, VHM...

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Phiên ngày 15/07 là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 7, nên diễn biến phiên ATC dự báo có đột biến, tuy nhiên mức biến động đã diễn ra không quá lớn. VN-Index chỉ giảm vài điểm ở phiên đóng cửa, về dưới 1.295 điểm, giúp thị trường có phiên tăng điểm khá tốt. Điểm đáng chú ý nhất phiên 15/07 đó là thanh khoản. Trong phiên buổi sáng 15/07, giao dịch rất cầm chừng và lực cầu chỉ xuất hiện ở giá đỏ do lo ngại lượng hàng T+ ở phiên 12/7 tới hơn 30.000 tỷ đồng riêng HOSE về tài khoản, bán ra. Chỉ sang phiên chiều khi lực bán ra yếu thì lực cầu giá xanh mới xuất hiện kéo chỉ số lên. Do mất cả phiên sáng giao dịch cầm chừng nên dù phiên chiều sôi động vẫn tạo ra một phiên điểm tăng nhưng thanh khoản sụt rất mạnh, với tổng giá trị giao dịch chỉ hơn 15.000 tỷ đồng. Với diễn biến phiên chiều 15/07 thì có thể khẳng định thì trường trong phiên cuối tuần vẫn là một phiên hồi phục, tuy nhiên mức độ hồi phục của VN-Index có vượt được ngưỡng 1.300 điểm, hay xa hơn là ngưỡng kháng cự mạnh 1.320 điểm hay không phụ thuộc vào dòng tiền có quay trở lại. Nếu dòng tiền vẫn yếu như phiên 15/07 thì kịch bản thị trường đi ngang tích lũy, hoặc thậm chí giảm điểm tiếp về ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.200 điểm vẫn bỏ ngỏ. Về diễn biến các cổ phiếu thi phiên 15/07, nhóm ngành ngân hàng hồi phục rất tốt sau phiên bị bán mạnh mất nhiều mốc hỗ trợ phiên 14/07. Sự phục hồi này thậm chí còn giúp nhiều nhà đầu tư có lãi khi hàng về ở phiên bắt đáy đầu tuần (12/7). Đây là tín hiệu tích cực không chỉ với nhóm ngành ngân hàng mà còn cả thị trường vì đây là nhóm chiếm tới hơn 30% vốn hóa toàn thị trường, nên tính dẫn dắt rất cao. Thị trường dù phục hồi phiên 15/07 nhưng vẫn trong xu hướng giảm điểm ngắn hạn, nên việc xuất hiện dòng tiền phiên chiều đỡ giá vào nhóm ngân hàng mở ra một hy vọng tạm ngắt đà rơi để đi vào vùng tích lũy dù chắc chắn tùy từng nhóm cổ phiếu cụ thể sẽ có những biến động mạnh. Về kỹ thuật, VN-Index đang được hỗ trợ bởi MA100 trong 4 phiên vừa qua, trong kịch bản tích cực nếu chỉ số này có thể đóng cửa phiên 16/07 trên ngưỡng 1.300 điểm thì khả năng đáy ngắn hạn sẽ được xác nhận, nhịp hồi có thể đưa thị trường retest ngưỡng MA50. Do vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần với ngưỡng hỗ trợ MA100 và kháng cự MA50.

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội