ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 09/06/2021

09/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Hôm thứ Ba (8/6), chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ thành lập một "lực lượng đặc nhiệm" được cho là chủ yếu nhắm vào Trung Quốc để chống lại các hành vi thương mại không công bằng sau khi phát hiện về việc xem xét quyền tiếp cận của Mỹ đối với các sản phẩm quan trọng từ chất bán dẫn đến pin xe điện. Một quan chức cấp cao cho biết, Mỹ đã phải đối mặt với các hành vi thương mại không công bằng từ "một số chính phủ nước ngoài" trên tất cả bốn chuỗi cung ứng được đề cập trong đánh giá ban đầu liên quan đến vấn đề trợ cấp của chính phủ và buộc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ. Quan chức này cho biết, thước đo thành công của nỗ lực chuỗi cung ứng sẽ là các nhà cung cấp đa dạng hơn cho các sản phẩm quan trọng từ các đồng minh và đối tác cùng chí hướng, và ít hơn từ các đối thủ cạnh tranh địa chính trị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về việc các nước mua vaccine Covid-19 với mức giá đắt do mua qua trung gian, đồng thời khuyến cáo rằng các nước chỉ nên mua các loại vaccine được WHO chứng thực và có nguồn gốc rõ ràng.  Phát biểu tại một cuộc họp báo, Trợ lý Tổng giám đốc WHO Mariangela Batista Galvao Simao nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được những quan ngại về các loại vaccine do các bên trung gian bán với giá cao hơn nhiều so với giá thực tế của nhà sản xuất”. Bà Simao cho rằng các nước nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc liên hệ với nhà sản xuất để đảm bảo bên trung gian là hợp pháp, trong bối cảnh có nhiều sản phẩm Covid-19 giả hoặc không đạt chuẩn đang được chào bán. WHO khuyến nghị các nước sử dụng những vaccine Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Đến nay, những loại vaccine đã được WHO đưa vào danh sách này gồm vaccine do các hãng Sinopharm và Sinovac, AstraZeneca/Oxford, Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.

Giá dầu Brent tương lai tăng 73 cent, tương đương 1%, lên 72,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Giá dầu WTI tương lai tăng 82 cent, tương đương 1,2%, lên 70,05 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Các nhà ngoại giao Mỹ cho biết dù có đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran, hàng trăm lệnh trừng phạt của Washington với Tehran sẽ vẫn giữ nguyên. Điều đó đồng nghĩa sản lượng dầu từ Iran sẽ không sớm bơm ra thị trường. Mỹ ngày 8/6 cho rằng Iran phải để Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiếp tục giám sát hoạt động như trong thỏa thuận được gia hạn đến ngày 24/6 hoặc đàm phán hồi sinh thỏa thuận hạt nhân có nguy cơ sụp đổ. Giá dầu còn chịu áp lực từ số liệu kinh tế, cho thấy Trung Quốc nhập khẩu dầu thô tháng 5 ít hơn 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng dầu của Mỹ dự kiến giảm 230.000 thùng/ngày trong năm 2021 xuống còn 11,08 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), thấp hơn so với tháng trước. Tồn kho dầu thô tại Mỹ ước tính giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, theo số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ. Tồn kho xăng và sản phẩm tinh chế lần lượt tăng 2 triệu thùng và 3,8 triệu thùng. Con số chính thức sẽ được EIA công bố ngày 9/6.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 30,42 điểm, tương đương 0,09%, xuống 34.599,82 điểm. S&P 500 tăng 0,74 điểm, tương đương 0,02%, lên 4.227,26 điểm. Nasdaq tăng 43,19 điểm, tương đương 0,31%, lên 13.924,91 điểm. S&P 500 và Dow Jones chỉ còn cách đỉnh lịch sử khoảng 0,5%. Nasdaq tăng tốt nhất nhờ có lực đẩy từ cổ phiếu Amazon và Apple. Chỉ số CBOE VIX, thước đó sự sợ hãi trên Phố Wall, xuống thấp nhất hơn một năm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, được thúc đẩy bởi cơn sốt cổ phiếu meme của nhà đầu tư cá nhân, diễn biến vượt trội nhóm vốn hóa lớn. Dẫn đầu các cổ phiếu meme là Clover Health Investment, tăng 85,8%, mạnh nhất trong Nasdaq. Một số cái tên khác như GameStop, Bed Bath & Beyond, Workhorse tăng 7 – 12%. Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ và Liên đoàn Quốc gia Doanh nghiệp Độc lập khả năng cao sẽ xác nhận tình trạng thiếu lao động, ngay cả khi lực cầu phục hồi. Điều này sẽ gây áp lực tăng lương, một yếu tố thúc đẩy lạm phát mạnh hơn. Thị trường chờ số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5, công bố ngày 10/6, để xác định thêm tín hiệu về lạm phát và ảnh hưởng đến lộ trình của Fed trong thắt chắt chính sách tiền tệ.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng nhẹ hôm thứ Ba sau khi dữ liệu tăng trưởng của khu vực đồng euro được điều chỉnh cho thấy nền kinh tế khu vực giảm hơn nhiều so với dự kiến ​​trong quý đầu tiên của năm. Dữ liệu điều chỉnh từ văn phòng thống kê Eurostat của EU cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 19 thành viên khu vực đồng euro giảm 0,3% so với quý trước, so với ước tính cuối cùng dự đoán mức giảm 0,6%. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp của Đức giảm bất ngờ trong tháng 4 đã ảnh hưởng đến tâm lý. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu kết thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba tăng 0,1%. Cổ phiếu du lịch dẫn đầu mức tăng, tăng 1,8%, trong khi cổ phiếu ô tô giảm 1,1%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,23%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,19% còn Topix tăng 0,1%. Số liệu sau điều chỉnh cho thấy GDP quý I của Nhật Bản thu hẹp 3,9%, thấp hơn so với ước tính thu hẹp 5,1%. Con số giới phân tích đưa ra là giảm 4,8%. Thị trường Trung Quốc giảm từ đầu phiên với Shanghai Composite mất 0,54%, Shenzhen Component giảm 0,98%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,1%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,13%. ASX 200 của Australia tăng 0,15%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 8/6, VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 321 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index giảm 12,24 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 154 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,66 điểm (-2,99%) xuống 86,4 điểm.

Khối ngoại tiếp tục giảm đáng kể giá trị bán ròng trên HoSE và còn hơn 380 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Nếu như kết thúc phiên sáng 08/06, thị trường chỉ đơn giản ra chỉ báo về một phiên điều chỉnh tiếp theo, cơ hội đảo chiều trở lại xu hướng tăng điểm vẹn nguyên thì bước sang phiên chiều 08/06, như cơn mưa bất chợt ở Hà Nội, lệnh bán ồ ạt đã đập tan hy vọng phục hồi. Thị trường rớt mạnh và dứt khoát, nhiều mã có dấu hiệu bị xả margin khối lượng lớn về nằm giá sàn, đặc biệt là bộ đôi dầu khí PVD và PVT, vốn vẫn được khuyên mua vào cuối tuần trước hoặc thậm chí ở một số room VIP tối qua còn khuyến nghị giá mục tiêu 30x trong tháng 6. Các mã ngân hàng, chứng khoán, thép không ngoại lệ, cơ bản đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, và từ đó kích hoạt lệnh bán chốt lời hoặc xả margin. Hàng loạt mã tăng nóng trước đó đã về giá sàn không thương tiếc như STB, LPB, HSG, AGR... Riêng STB, LPB dư bán giá sàn tới hơn 4 triệu cổ phiếu. Mức giảm của VN-Index đã phá vỡ liên tiếp 2 ngưỡng hỗ trợ gần trong khoảng 1.350 - 1.355 điểm, và vùng 1.340 - 1.345 điểm, rơi về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Tất cả cho thấy, xu hướng tăng của thị trường 2 tháng qua đã bị bẻ gãy. Nhìn lại 2 phiên giảm điểm liên tiếp có thể thấy, đà giảm của thị trường ngoài quy luật chứng khoán không thể tăng mãi, thì còn được "hỗ trợ" bởi chính các vấn đề nội tại của hệ thống giao dịch. Tình trạng nghẽn lệnh, treo bảng và không cho hủy lệnh kích hoạt một kiểu giao dịch "bán mọi giá bằng lệnh MP" thay thế cho cái được gọi là thị trường với nguyên tắc "thuận mua, vừa bán, xác định giá trên cơ sở cung cầu". Có nghĩa là các quyết định điều hành thị trường gần đây và sự yếu kém cố hữu của hệ thống đã bóp méo "thị trường" chứng khoán. Điều an ủi với nhà đầu tư hiện tại đó là thị trường tăng nhanh thì sẽ giảm nhanh, và giảm nhanh thì sẽ tăng nhanh trở lại khi lượng cổ phiếu được bán ra ồ ạt với giá sau mỗi phiên lại rẻ đi đáng kể. Lượng tiền còn ở lại, và nếu có thêm tiền mới thì thị trường còn cơ hội phục hồi, thậm chí là phục hồi mạnh. Theo đánh giá của chúng tôi, VN-Index có thể sẽ dao động giằng co trong khu vực 1.310-1.330 điểm trong những phiên tiếp theo, khi đây là vùng hỗ trợ trong ngắn hạn của chỉ số.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 090 323 54 34

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội