ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 30/06/2021

30/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Theo Moderna, vắc xin mRNA hai liều của Moderna đã tạo ra các kháng thể trung hòa chống lại biến thể delta cũng như biến thể beta và eta, các biến thể lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi và Nigeria. Moderna cho biết, kết quả dựa trên huyết thanh của 8 người tham gia một tuần sau khi họ được tiêm liều vắc xin thứ hai. Tuy nhiên, dữ liệu vẫn chưa được đánh giá ngang hàng. Do đó, các kết quả có thể không phản ánh cách các vắc xin thực sự hoạt động trong các tình huống thực tế chống lại các biến thể. Bản cập nhật của Moderna được đưa ra vài ngày sau khi các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi những người được tiêm chủng đầy đủ tiếp tục đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thực hiện các biện pháp an toàn chống đại dịch khác vì phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và biến thể delta đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Biến thể delta hiện đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia và dự kiến ​​sẽ trở thành biến thể chiếm đa số trên toàn thế giới.

G7 đang cố gắng thuyết phục các quốc gia giữ vững ký kết thỏa thuận toàn cầu về thuế suất doanh nghiệp tối thiểu trong cuộc họp tuần này khi họ ngày càng lo ngại rằng, những thỏa hiệp cần thiết để đưa các quốc gia đồng thuận với thỏa thuận này sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ có cuộc họp diễn ra trong hai ngày 30/6-1/7 tới và vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ là một trong những chương trình nghị sự chính của cuộc họp. Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu và các nước đang phát triển đều đã phản đối thỏa thuận mà G7 đạt được trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tháng này. Các cuộc đàm phán tại OECD đang tìm cách khắc phục để có sự đồng thuận của các quốc gia này. Một số người có liên quan cho biết, các thiên đường thuế và trung tâm đầu tư như Ireland, Thụy Sĩ và Barbados được cho là sẽ từ chối tham gia thỏa thuận. Ngoài ra, chi tiết của các đề xuất sẽ được các bộ trưởng tài chính từ nhóm các nước G20 thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ở Venice vào vào ngày 9/7-10/7.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê vừa đưa ra, tính đến 21/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,48% so với cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,59%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%). Tính đến hết tháng 5/2021, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.428 tỷ đồng/phiên, tăng 302,3%. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 11.622 tỷ đồng/phiên, tăng 17,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 24.041 tỷ đồng/phiên, tăng 90,9%. Tổng Cục Thống kê đánh giá, hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 9,02 điểm, tương đương 0,03%, lên 34.292,29 điểm. S&P 500 tăng 1,19 điểm, tương đương 0,03%, lên 4.291,8 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.290,61 điểm thiết lập ngày 28/6. Nasdaq tăng 27,83 điểm, tương đương 0,19%, lên 14.528,34 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.500,51 điểm thiết lập ngày 28/6. Đây là phiên lập đỉnh thứ 4 liên tiếp của S&P 500. 3 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 chốt phiên trong sắc xanh, công nghệ và hàng tiêu dùng tăng mạnh nhất, lần lượt là 0,7% và 0,23%. Cả ba chỉ số đang trên đà có quý tăng thứ 5 liên tiếp.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Ba khi các nhà đầu tư toàn cầu theo dõi sự lây lan của biến thể Covid-19 và chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng từ Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,3%, dẫn đầu mức tăng là các cổ phiếu dầu khí tăng 0,9% khi hầu hết các ngành và sàn giao dịch chính đều giao dịch trong vùng tích cực.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 0,55%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,81% còn Topix giảm 0,82%. Thị trường Trung Quốc đi xuống từ đầu phiên với Shanghai Composite giảm 0,92%, Shenzhen Component giảm 0,993%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,94%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,46%. ASX 200 của Australia giảm 0,08%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 29/06, VN-Index tăng 4,23 điểm (0,3%) lên 1.410,04 điểm. Toàn sàn có 153 mã tăng, 244 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,69 điểm (0,21%) lên 323,79 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 127 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,56%) lên 90,3 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch chiếm 26.200 tỷ đồng, giá trị khớp lệnh đạt 23.900 tỷ đồng, riêng sàn HoSE là 19.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Dư âm từ phiên giao dịch khá tích cực trước đó cùng với thông tin về tăng trưởng GDP quý II/2021 và 6 tháng đầu năm tích cực, cũng như kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2021 khả quan giúp thị trường tăng điểm trong phiên sáng 29/06. Tuy nhiên, do chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng trên của dải Bollinger Band nên việc điều chỉnh trở lại vào trong dải BB là dễ hiểu. Hoạt động giao dịch diễn ra khá hứng khởi, song dòng tiền không mở rộng, mà tập trung tại một số nhóm cổ phiếu, nhất là các bluechip, đây là lý do dù VN-Index tăng điểm nhưng số mã giảm nhiều hơn số mã xanh. Bước vào phiên giao dịch chiều 29/06, lực mua mạnh dạn ngay đầu phiên kéo VN-Index lên trên ngưỡng 1.415 điểm sau ít phút giao dịch. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, lực bán gia tăng dần đẩy chỉ số này quay đầu xuống dưới ngưỡng 1.410 điểm, có lúc về sát tham chiếu. Tuy nhiên, dường như ngưỡng kháng cự 1.410 điểm đang trở thành ngưỡng hỗ trợ tạm thời cho VN-Index, bởi khi chỉ số xuống vùng giá này, lực cầu gia tăng mạnh đã kéo VN-Index trở lại và hiện tượng nghẽn, tắc lệnh đã diễn ra. Chốt phiên 29/06, đồ thị ngày của VN-Index tiếp tục có cây nến xanh thứ 3, nhưng thanh khoản thấp hơn phiên trước, nhưng số mã giảm đã chiếm ưu thế trở lại sau 2 phiên tăng đẹp trước đó. Thực ra với giao dịch không nét về thanh khoản như phiên chiều nay, thị trường nếu có một phiên đóng cửa ở giá đỏ có lẽ sẽ là diễn biến tích cực hơn! Điểm đáng chú ý là trong khi nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng nhẹ thì khối tự doanh công ty chứng khoán lại quay ra bán ròng mạnh tới hơn 171 tỷ đồng, trong đó bán ròng mạnh nhất là VIC hơn 57 tỷ đồng, HPG hơn 54 tỷ đồng, VCB hơn 47 tỷ đồng. Trong khi mua ròng khá mạnh VPB với 49 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với hành động của nhà đầu tư nước ngoài khi VPB là mã bị khối ngoại bán ròng lớn nhất, tới gần 298 tỷ đồng. VN-Index đã tiến vào vùng cản tâm lý 1.40x điểm và chúng tôi cho rằng, áp lực bán sẽ sớm gia tăng trong những phiên tới. Quy mô thanh khoản và mức độ lan tỏa của dòng tiền cần sớm được cản thiện đi kèm đà đi lên của VN-Index, nếu không rủi ro điều chỉnh cần được tính đến, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự kế tiếp tại quanh 1.430 điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào việc quản lý tỷ trọng ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế ngắn hạn. Việc chốt lời quay vòng một phần tỷ trọng có thể được cân nhắc trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng khối lượng giao dịch không tăng tương ứng.

 

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội