ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 29/07/2021

29/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Kết thúc cuộc họp chính sách trong hai ngày 27 - 28/7, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan lập chính sách của Fed, thông báo giữ nguyên lãi suất ở 0 - 0,25% như dự đoán trên thị trường. Fed giảm lãi suất về 0 - 0,25% từ giữa tháng 3/2020. Lãi suất này được dùng để quyết định lãi cho vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác tại Mỹ. Cùng với đó, FOMC tái khẳng định quan điểm cho rằng kinh tế Mỹ tiếp tục “cải thiện”. “Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch đã cho thấy sự cải thiện nhưng chưa phục hồi hoàn toàn”, thông báo sau cuộc họp cho biết. “Lạm phát tăng, chủ yếu phản ánh các yếu tố tạm thời. Các điều kiện tài chính nói chung vẫn thuận lợi”. Thông báo lưu ý có “tiến triển” hướng đến mục tiêu việc làm và lạm phát của Fed – tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể sắp có thay đổi chính sách, đặc biệt là liên quan đến chương trình mua trái phiếu hàng tháng.

Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, sáng 28/7 Quốc hội khoá XV đã phê duyệt chủ trương đầu tư hai chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt với yêu cầu Ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Mục tiêu tiếp theo là phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

Giá dầu Brent tương lai tăng 26 cent, tương đương 0,4%, lên 74,74 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 74 cent, tương đương 1%, lên 72,39 USD/thùng. Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 23/7 giảm 4 triệu thùng, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nhờ nhập khẩu giảm và sản lượng hàng tuần đi xuống. Tồn kho xăng cũng giảm về xấp xỉ trước đại dịch. Lượng xăng cung ứng, một thước đo lực cầu, đạt trung bình 4 tuần là 9,5 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 10/2019. Giá dầu đã tăng 45% kể từ đầu năm, chủ yếu nhờ lực cầu phục hồi và chính sách hạn chế sản lượng từ OPEC và đồng minh, tức OPEC+. OPEC+ nhất trí tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 đến hết năm nay. Một số nhà phân tích cho rằng mức tăng này chưa đủ bởi lực cầu phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, số ca nhiễm Covid-19 tăng trên toàn thế giới, bất chấp nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 đã hạn chế đà tăng của giá dầu và vẫn là một mối lo ngại.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 127,59 điểm, tương đương 0,36%, xuống 34.930,93 điểm. S&P 500 giảm 0,82 điểm, tương đương 0,02%, xuống 4.400,64 điểm. Nasdaq tăng 102,01 điểm, tương đương 0,7%, lên 14.762,58 điểm. Trong cuộc họp báo sau khi Fed thông báo kết quả họp chính sách, chủ tịch Fed Jerome Powell nói thị trường lao động Mỹ vẫn còn “một số vấn đề cần phục hồi” trước khi đến lúc siết chính sách hỗ trợ kinh tế mà ngân hàng trung ương Mỹ triển khai từ mùa xuân 2020 để ứng phó ảnh hưởng từ Covid-19. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, chạm đỉnh lịch sử nhờ có kết quả kinh doanh quý II tốt. Chốt phiên, cổ phiếu Alphabet tăng giá 3,2%.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu tăng điểm vào ngày thứ Tư trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi thông báo về chính sách quan trọng từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,4%, với cổ phiếu du lịch và giải trí tăng 1,2% trong khi hóa chất giảm 0,4%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,26%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 1,39% còn Topix giảm 0,95%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,58% còn Shenzhen Component giảm 0,05%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,54% sau khi giảm hơn 8% trong hai phiên đầu tuần do lo ngại Trung Quốc siết quản lsy với lĩnh vực công nghệ và giáo dục tư nhân. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,13%. ASX 200 của Australia giảm 0,7%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Australia tăng 0,8% trong tháng 6. Tâm lý nhà đầu tư khu vực tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Australia hôm nay gia hạn hạn chế đi lại vùng đại đô thị Sydney thêm 4 tuần. Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 trong ngày cao kỷ lục.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 28/07, VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.277,07 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 214 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,08%) lên 306,25 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 112 mã giảm và 189 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,22%) lên 84,96 điểm. 

Thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 13.600 tỷ đồng, giảm 31%, riêng sàn HoSE giảm 29,8% xuống 11.500 tỷ đồng, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng qua kể từ thời điểm đầu tháng 2/2021. 

Khối ngoại mua ròng 62 tỷ đồng trên sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Phiên 27/07 là ngày thị trường chứng khoán Việt Nam kỷ niệm 21 năm mở cửa, nhưng diễn biến trên thị trường lại không có chút gì hào hứng. Dòng tiền dè dặt, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán ra khiến giao dịch diễn ra chậm, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm với giá trị giao dịch chỉ hơn 13.000 tỷ đồng. Dù thị trường lình xình, nhưng dòng tiền vẫn lưu chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu trong thời gian vừa qua, tạo nên những con sóng như nhóm tiêu dùng, bất động sản, dược, cấp thoát nước, hóa chất. Tuy nhiên, những con sóng này đều tan nhanh, nhiều nhà đầu tư không kinh nghiệm khó kiếm lời khi lướt T+. Trong phiên 28/07, dòng tiền một lần nữa quay lại với nhóm ngân hàng, dù còn dè dặt, nhưng cũng đủ giúp nhiều mã lớn trong nhóm này tăng giá, qua đó giúp VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm trong ngày chào mừng 21 năm ngày giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán, bất chấp số mã giảm chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Dự báo trong phiên tới, sự giằng co có thể tiếp tục diễn ra tại vùng hỗ trợ 1.270--1.275 điểm, và vùng kháng cự 1.280-1.285 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại. Trong kịch bản tích cực, xu hướng của thị trường có thể cải thiện nếu VN-Index đóng cửa trên ngưỡng 1.280 điểm.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội