ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 28/06/2021

27/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia, nước này hiện có 2.093.962 ca mắc Covid-19, CNA đưa tin. Quốc đảo này đang là nước đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về số ca nhiễm cũng như tử vong vì Covid-19. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 25/6 cho biết nhiều bệnh viện và giường bệnh đã được chuẩn bị ở Jakarta để đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Nguồn cung oxy cũng được đảm bảo để sẵn sàng cung cấp cho người dân trên đảo Java. Ngoài ra, chính phủ đang chuẩn bị thêm các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị Covid-19 ở Jakarta. Các bệnh viện được thiết lập sẽ nằm trong khu phức hợp nhà ở được chính phủ trợ cấp tại khu vực Nagrak và Pasar Rumput. Các bác sĩ ở đây sẽ điều trị cho những bệnh nhân không có triệu chứng và người có triệu chứng nhẹ.

Hôm thứ Sáu (25/6), Hội đồng quản trị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí ủng hộ đề xuất tạo ra một khoản dự trữ mới kỷ lục 650 tỷ USD cho các thành viên với kế hoạch tăng cường nguồn lực cho các quốc gia đang chống chọi với đại dịch. Theo nguồn tin từ hai người liên quan tới kế hoạch này, tất cả các thành viên tham dự cuộc họp của Ban điều hành bao gồm 24 đại diện từ các quốc gia thành viên IMF và Giám đốc điều hành Kristalina Georgieva đã ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn cần sự chấp thuận cuối cùng của Hội đồng Thống đốc bao gồm các đại diện, thường là Bộ trưởng tài chính hoặc người đứng đầu ngân hàng trung ương của 190 quốc gia thành viên IMF. Giám đốc IMF Georgieva trước đây cho biết rằng, bà mong đợi kế hoạch sẽ được phê duyệt vào tháng 8. Về mặt chính thức, bước tiếp theo bà Georgieva sẽ chuẩn bị một báo cáo cho Hội đồng quản trị và báo cáo này cần có sự chấp thuận của Ban điều hành. Người phát ngôn Gerry Rice cho biết, IMF dự kiến ​​kế hoạch này có thể diễn ra vào khoảng giữa tháng 7.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đi trước một bước so với Cục Dự trữ liên bang (Fed) trong việc điều chỉnh các biện pháp kích thích sau đại dịch Covid-19 nhằm giảm bớt áp lực một khi Fed thay đổi chính sách. PBOC bắt đầu hạn chế tăng trưởng tín dụng để giải quyết rủi ro nợ. Lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc vẫn ở mức ổn định mặc dù giá xuất xưởng tăng gần đây. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các biện pháp kích thích tài chính kỷ lục khiến áp lực lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Các nhà tạo lập chính sách của Fed đang tranh luận khi nào có thể bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu và có thể bắt đầu tăng lãi suất. Không giống như trong chu kỳ thắt chặt trước đây của Mỹ, khi lãi suất ở Trung Quốc cũng tăng cao hơn một phần để giảm bớt lo ngại về dòng vốn chảy ra, thì lần này, dòng vốn đang đổ vào Trung Quốc. Mặc dù đồng nhân dân tệ có thể suy yếu khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng điều này lại tác động tích cực cho các nhà xuất khẩu và PBOC có thể không chịu ảnh hưởng lớn.

Bộ Công Thương vừa lập Đoàn công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật đối với các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo trong nước. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với 5 doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuận Minh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến và Công ty TNHH Khánh Tâm. Trước đó, ngày 24/6/2021, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi các thương nhân xuất nhập khẩu gạo. Công văn nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát tình hình xuất nhập khẩu gạo trong các tháng đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn công tác kiểm tra thi hành pháp luật đối với các thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu gạo.

Nhập khẩu lạm phát được coi là yếu tố quan trọng vào lúc này xuất phát từ nhiều điểm. Rõ nhất là Việt Nam, cũng như nhiều nền kinh tế trên thế giới, đang có nhu cầu cao hơn năm trước về nguyên nhiên vật liệu, trong khi chuỗi cung ứng lại bị “đứt gãy” do đại dịch, cộng hưởng với cơ cấu kinh tế ít nhiều còn hạn chế (như công nghiệp hỗ trợ yếu, tính gia công lắp ráp còn cao, phụ thuộc vào nhập khẩu…) đã làm cho kinh tế bị suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Một điểm quan trọng là sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nền kinh tế lớn với hai biểu hiện nổi bật là lãi suất cơ bản giảm xuống mức gần bằng 0 trong thời gian khá dài và một lượng tiền khổng lồ đã đưa ra thị trường trong 2 năm qua ước bằng 25% GDP toàn cầu. Trong khi đó, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam ở vị thế xuất siêu liên tục trong 5 năm, với quy mô ngày một lớn, nhưng 5 tháng đầu năm nay đã chuyển sang vị thế nhập siêu. Mặc dù xuất khẩu đạt quy mô lớn, tăng cao so với cùng kỳ, nhưng vẫn thấp hơn so với nhập khẩu (xuất khẩu trên 131,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với nhập khẩu 131,6 tỷ USD, tăng 36,7%).

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 237,02 điểm, tương đương 0,69%, lên 34.433,84 điểm. S&P 500 tăng 14,21 điểm, tương đương 0,33%, lên 4.280,69 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.266,49 điểm thiết lập hôm 24/6. Nasdaq giảm 9,32 điểm, tương đương 0,06%, xuống 14.360,39 điểm. Chốt tuần, Dow Jones tăng 3,4%, S&P 500 tăng 2,7% còn Nasdaq tăng 2,4%. Đây là tuần tốt nhất của S&P 500 kể từ đầu tháng 2, của Nasdaq kể từ tháng 4. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, tài chính tăng mạnh nhất 1,3%. Cổ phiếu Nike tăng giá 15,5% lên cao nhất mọi thời đại sau khi hãng giày này dự báo doanh số năm tài chính vượt ước tính từ Phố Wall, giúp Dow Jones dẫn đầu ba chỉ số. Cổ phiếu Bank of America tăng 1,9%, Wells Fargo tăng 2,7%, sau khi Fed thông báo các ngân hàng lớn đã vượt qua kiểm tra áp lực và không bị áp hạn chế thời đại dịch như mua lại cổ phiếu, trả cổ tức.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu tăng điểm vào thứ Sáu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi ổn định và lo ngại về việc giảm bớt các biện pháp kích thích tiền tệ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,1%, nâng mức tăng hàng tuần lên 1,2%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,96%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,66% còn Topix tăng 0,8%. Thị trường Trung Quốc đại lục đi lên với Shanghai Composite tăng 1,15% còn Shenzhen Component tăng 1,482%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,43%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,51%. ASX 200 của Australia tăng 0,45%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc tuần giao dịch từ 21-25/6, VN-Index vươn lên đỉnh mới nhưng chỉ tăng 12,35 điểm (0,9%) so với tuần trước đó và lên 1.390,12 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,2%) xuống 318,22 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 0,74 điểm (-0,82%) xuống 89,48 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống. Theo dữ liệu của FiinPro, tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường đạt hơn 4,46 tỷ cổ phiếu, giảm 15% so với tuần trước, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 126.000 tỷ đồng, giảm 16%. Riêng giao dịch khớp lệnh chiếm 113.000 tỷ đồng, giảm đến 16,8%. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 15,4% xuống mức 92.566 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Thông tin tích cực về hệ thống của sở Hose khắc phục được tình trạng “nghẽn lệnh” trong nhiều tháng qua và sẽ hoạt động vào tháng 7 đã tác động phần nào tới tâm lý nhà đầu tư tuy nhiên mức ảnh hưởng này không quá lớn trong bối cảnh thị trường “lình xình” trong những phiên gần đây đã dấy lên câu hỏi rằng  “thị trường bước vào giai đoạn phân phối”. Ngoài ra, thông tin thị trường chứng khoán Mỹ đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ trở lại vùng đỉnh và phần nào thể hiện sau khi kết thúc đêm ngày 24/06 (giờ Việt Nam) cũng đã giảm bớt tâm lý e ngại về thị trường trong nước. Chốt phiên ngày 25/06, Vn-Index tăng 10,4 điểm tại 1,390.12 điểm, đây là mức tăng khá tốt sau 4 phiên liên tiếp lình xình vừa qua. Tuy nhiên, bất chấp đà tăng điểm khá mạnh trong phiên (mạnh nhất trong 5 phiên gần đây) nhưng thanh khoản và giá trị giao dịch lại thấp hơn đáng kể so với các phiên trước đó, đạt lần lượt hơn 598 triệu đơn vị khớp lệnh và và hơn 19,000 tỷ. Độ rộng thị trường trở lại trạng thái xanh ở nhiều mã với 223 mã xanh so với 147 mã đỏ, số mã trần  đạt 12 mã và có 2 mã sàn. Về diễn biến thị trường, Vn-Index diễn biến giằng co trong suốt phiên sáng 25/06 với các nhịp tăng giảm đan xen quanh mốc tham chiếu trước khi bất ngờ giảm khá mạnh và hồi phục lại sau đó nhưng kết thúc phiên sáng chỉ số chính vẫn trong trạng thái đỏ. Điểm nhấn trong phiên 25/06 đến từ phiên chiều với đà tăng khá mạnh ngay từ những giây phút đầu giờ và duy trì cho tới kết thúc phiên. Nổi bật nhất là nhóm chứng khoán với sắc xanh lan tỏa khắp nhóm ngành và đà tăng mạnh ở nhiều mã lớn như SSI, HCM tăng trần, ngoài ra còn có FTS, EVS, HBS cũng đóng cửa trần, hầu hết các mã còn lại cũng có mức tăng mạnh khoảng 4% trở lên. Sự bùng nổ của nhóm chứng khoán trong phiên 25/06 có thể đến từ dự báo kết quả kinh doanh quý 2 tiếp tục thăng hoa trong bối cảnh thị trường chung trong quý 2 liên tiếp phá đỉnh, đồng thời hoạt động tăng vốn tại nhiều công ty chứng khoán nhằm gia tăng dư nợ vay margin và thông tin hệ thống Hose sẽ hoạt động ổn định hơn với lượng lệnh lớn hơn thời gian tới cũng giúp các công ty chứng khoán được hưởng lợi nhiều nhất. Việc nhóm chứng khoán trở lên sôi động cũng đã lan tỏa tới các nhóm ngành khác trên thị trường đặc biệt là khoảng từ 1h30 chiều đã kích hoạt nhiều mã, nhóm ngành tăng điểm trở lại như bank, đạm, dầu khí, phân bón… Về diễn biến thị trường sắp tới, chúng tôi cho rằng thị trường tăng khá mạnh trong phiên 25/06 là thông tin tích cực và phần nào tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng thị trường có xu hướng giảm thanh khoản trong những phiên gần đây cho thấy dòng tiền lớn chưa thực sự nhập cuộc, đà tăng thời gian tới sẽ tiếp tục phân hóa và sẽ hướng tới những nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh khả quan như nhóm chứng khoán, ngân hàng...

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội