ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 24/08/2021

24/08/2021 - Huy

 

  1. TIN NỔI BẬT

Giá dầu Brent tương lai tăng 3,57 USD, tương đương 5,5%, lên 68,75 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 64,6 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 21/5. Giá dầu WTI tương lai tăng 3,5 USD, tương đương 5,6%, lên 65,64 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu đều ghi nhận tuần giảm mạnh nhất 9 tháng với Brent mất giá khoảng 8%, WTI mất khoảng 9%. USD ngày 23/8 suy yếu giúp thúc đẩy thị trường năng lượng. Chỉ số USD, đo sức mạnh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền khác, giảm 0,4% sau khi chạm đỉnh hơn 9 tháng hôm 20/8. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang ứng phó Covid-19 bằng các biện pháp hạn chế đi lại mới.  Trong khi đại dịch cản trở lực cầu, nguồn cung dầu lại đang tăng dần dần. Sản lượng của Mỹ tăng và các công ty năng lượng triển khai thêm giàn khoan ba tuần liên tiếp. Ngoài ra, nhà đầu tư còn điều chỉnh vị thế trước hội nghị thường niên Jackson Hole của Fed vào cuối tuần này.

Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, quyết định được chờ đợi nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Mỹ. Đây cũng là loại vaccine Covid-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine Covid-19 khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. FDA đã đưa ra quyết định trên sau 3 tháng xem xét đơn đề nghị cấp phép đầy đủ của 2 hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech đối với vaccine Covid-19 mà 2 hãng này phối hợp sản xuất. Việc vaccine được cấp phép đầy đủ sẽ giúp Pfizer và BioNTech loại bỏ những hạn chế liên quan đến việc phân phối và quảng cáo sản phẩm. Với hơn một nửa tổng dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, các chuyên gia và quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden hy vọng rằng việc FDA cấp phép đầy đủ cho vaccine của Pfizer/BioNTech sẽ đóng vai trò là chất xúc tác, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở quốc gia này, góp phần làm giảm tâm lý lo ngại của người dân khi đi tiêm chủng.

Hôm thứ Hai (23/8), các sở giao dịch chứng khoán cho biết, 42 thương vụ IPO lên sàn STAR Market của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải hoặc sàn ChiNext của Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến đã bị tạm dừng. Trong những tuần gần đây, thị trường IPO của Trung Quốc vẫn hoạt động tích cực. China Telecom hôm thứ Sáu tuần trước (20/8) đã huy động được 54,2 tỷ nhân dân tệ (8,33 tỷ USD) khi niêm yết tại Thượng Hải, trong khi sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông và New York có phần hạ nhiệt hơn. Ba thị trường này là các thị trường bận rộn nhất thế giới đối với các đợt IPO và các công ty Trung Quốc đóng vai trò chủ yếu trong hoạt động của mỗi thị trường. Tuy nhiên, các đợt IPO ở nước ngoài của Trung Quốc phần lớn đã bị tạm dừng kể từ khi Bắc Kinh đưa ra các biện pháp kiểm soát mới đối với việc IPO vào tháng 7 sau đợt chào bán 4,4 tỷ USD của Didi Global tại New York. Việc giám sát chặt chẽ hơn đối với các đợt IPO diễn ra khi Bắc Kinh tiến hành một loạt biện pháp kiểm soát chặt đối với các lĩnh vực khác nhau từ Internet đến lĩnh vực dạy thêm. Một số biện pháp kiểm soát mới liên quan đến bảo mật dữ liệu cho các công ty công nghệ đã xóa sổ hơn 1.000 tỷ USD giá trị thị trường của các công ty đã niêm yết trong những tháng gần đây.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 215,63 điểm, tương đương 0,61%, lên 35.335,71 điểm. S&P 500 tăng 37,86 điểm, tương đương 0,85%, lên 4.479,53 điểm. Nasdaq tăng 227,99 điểm, tương đương 1,55%, lên 14.942,65 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.895,12 điểm thiết lập hôm 5/8. 7 trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh, năng lượng có ngày tốt nhất gần 2 tháng. Giá cổ phiếu Pfizer và BioNTech, niêm yết tại Mỹ, lần lượt tăng 2,5% và 9,6%. Cổ phiếu công ty đối thủ Moderna tăng 7,5%.

Chứng khoán châu Âu. Thị trường châu Âu tăng điểm nhẹ vào ngày vào thứ Hai, thị trường đang trên đà phục hồi sau khi ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng Hai. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã tăng 0,4%. Nhóm cổ phiếu bán lẻ tăng 1,4% trong khi ngành dịch vụ tiện ích giảm 0,8%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 1,17%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 1,78% còn Topix tăng 1,83%. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,45%, Shenzhen Component tăng 1,981%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,05% với cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent tăng gần 2%, Hong Kong Exchange & Clearing tăng 5,66%. Hang Seng tuần trước giảm sâu, mất hơn 20% so với đỉnh hồi giữa tháng 2 – đồng nghĩa vào thị trường gấu, do bất ổn liên quan triển vọng các công ty công nghệ Trung Quốc. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,97%. ASX 200 của Australia tăng 0,39%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Nhóm chứng khoán vẫn là tâm điểm của thị trường khi đồng loạt bứt phá, trong đó, các cổ phiếu như APG, CTS, AGR...vẫn được kéo lên mức giá trần bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung.

Kết thúc phiên giao dịch 23/08, VN-Index giảm 30,57 điểm (-2,3%) xuống 1.298,86 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 282 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,22 điểm (-0,95%) xuống 334,84 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 125 mã giảm và 60 mã đứng giá.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 30.555 tỷ đồng, giảm 34%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 32,6% xuống còn 24.792 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 380 tỷ đồng ở sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Phiên cuối tuần trước, VN-Index mất đi 45,42 điểm, trên sàn HOSE vẫn có 12 mã chốt phiên ở giá trần, chỉ có 9 mã giảm sàn. Phiên hôm nay, thị trường tiếp tục giảm sâu hơn 30 điểm, trên HOSE có số mã tăng trần được mở rộng lên 19 mã và chỉ có 14 mã giảm sàn. Đây là điểm khác biệt nhất so với các đợt lao dốc trước của thị trường. Lực bán tăng rất mạnh nhưng hiện tượng bán tháo theo kiểu "múa bên trăng" với hàng loạt mã giảm sàn không diễn ra. Đi vào diễn biến giao dịch 2 phiên gần nhất sẽ lý giải cho sự khác biệt này. Lực bán trải đều toàn thị trường nhưng mức độ mạnh yếu khác nhau ở từng nhóm ngành. Dù số mã giảm điểm vẫn chiếm áp đảo, nhưng số mã tăng điểm không hề ít. Chẳng hạn như phiên hôm qua (23/8), vẫn có 101 mã tăng, chiếm 1/4 số mã niêm yết trên HOSE. Lực bán mạnh nhưng tập trung chủ yếu ở các mã lớn, những nhóm ngành rất cụ thể gồm ngân hàng, bất động sản, và thép và một vài nhóm ngành đã tăng nóng trước đó. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhóm ngành không đồng thuận giảm điểm gồm chứng khoán, phân bón, dệt may,... Trên thực tế 2 phiên vừa qua, nhóm VN30 luôn có mức giảm điểm mạnh hơn chỉ số chung. Điều này cho thấy, áp lực giảm của thị trường nằm chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn, và việc đoán đáy của VN-Index đợt này sẽ trở lên khó khăn bởi việc giảm không đồng đều, VN-Index chỉ ngừng rơi khi nhóm trụ dừng bước. Có một hy vọng đang mở ra khi nhóm ngân hàng chiếm gần 30% vốn hóa thị trường, đang có rất nhiều mã giá giảm về trở lại mức đáy đầu tháng 7, đây sẽ ngưỡng có thể chặn đà rơi của nhóm này và từ đó là cả VN-Index. Dự báo chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ quan trọng tại quanh 1.290 điểm, mốc then chốt quyết định đến khả năng giữ được vùng đáy 1.22x điểm, nên có thể kỳ vọng vào kịch bản sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục tại đây. Sau khi giảm thiểu tỷ trọng các vị thế ngắn hạn còn lại, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể kê lệnh mua trở lại một phần vị thế trading khi VN-Index về lại vùng hỗ trợ đã đề cập, nhưng ưu tiên cho các cổ phiếu sẵn có trong danh mục.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội