ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 19/08/2021

19/08/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Giá dầu Brent tương lai giảm 80 cent, tương đương 1,2%, xuống 68,23 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,13 USD, tương đương 1,7%, xuống 65,46 USD/thùng. Giá dầu gần đây chịu áp lực trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 do biến chủng Delta gây ra trên thế giới gia tăng. Một số quốc gia phải tái áp các hạn chế đi lại. Biên bản cuộc họp ngày 27 – 28/7 cho thấy Fed cũng lưu ý Delta lây lan có thể làm trì hoãn đà mở cửa hoàn toàn kinh tế Mỹ, cản trở thị trường lao động. Tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/8 giảm 3,2 triệu thùng xuống 435,5 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2020, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Tồn kho xăng tăng nhẹ còn nguồn cung sản phẩm xăng ra thị trường – thước đo lực cầu – là 9,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1% so với năm 2019. Lực cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ năng lượng số một thế giới đang tăng dần trở lại với trung bình nguồn cung sản phẩm ra thị trường 4 tuần đạt 20,8 triệu thùng/ngày, tương đương so với trước khi đại dịch xảy ra năm 2019. Tuy nhiên, giới phân tích lưu ý sản lượng dầu thô của Mỹ đang tăng dần dần, chạm 11,4 triệu thùng/ngày tuần trước. OPEC cùng các đồng minh, tức OPEC+, hồi tháng 7 nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8 đến hết tháng 12, trả lại phần nào nguồn cung từng bị cắt giảm từ năm 2020.

Bước tiến của hãng chip Đài Loan TSMC diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt hơn các quy định đối với lĩnh vực công nghệ trong vài tháng qua, khiến định giá của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Tencent và Alibaba sụt giảm. Hãng chip TSMC đã chính thức vượt mặt Tencent về vốn hóa thị trường vào đầu tháng 8. Theo dữ liệu của Refinitiv Eikon, TSMC đang dẫn đầu về giá trị vốn hóa thị trường trong số các công ty châu Á, với hơn 538 tỷ USD, tính đến sáng 18/8 theo giờ châu Á. Trong khi đó, Tencent tụt xuống vị trí thứ hai, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 536 tỷ USD còn Alibaba ở vị trí thứ ba với khoảng 472 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của cả Tencent và Alibaba tiếp tục bị hao hụt vào ngày 17/8 khi mỗi bên mất hơn 20 tỷ USD, sau khi Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc công bố dự thảo các quy định mới nhằm ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh trên internet.

Chỉ số thương mại hàng hóa đạt mức cao kỷ lục cho thấy sự phục hồi mạnh của hoạt động thương mại toàn cầu sau cú sốc lớn vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong thông báo ngày 18/8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức 110,4 điểm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2016 và tăng hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thể chế này, việc chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức kỷ lục cho thấy thương mại hiện đang phục hồi mạnh và cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cú sốc do đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, tổ chức này lưu ý rằng triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục đứng trước những rủi ro. Trước đó, trong báo cáo sáu tháng một lần về tình hình thương mại thế giới vào ngày 29/7, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 382,59 điểm, tương đương 1,08%, xuống 34.960,69 điểm. S&P 500 giảm 47,81 điểm, tương đương 1,07%, xuống 4.400,27 điểm. Nasdaq giảm 130,27 điểm, tương đương 0,89%, xuống 14.525,91 điểm. Đà bán tăng mạnh vào cuối phiên, đẩy S&P 500 giảm 1,8% so với đỉnh lịch sử gần đây. Đây là phiên giảm thứ hai của S&P 500 và là ngày giảm hơn 1% đầu tiên kể từ 19/7. Hầu hết các lĩnh vực thuộc S&P 500 đóng cửa trong sắc đỏ với năng lượng mất 2,4%, chăm sóc sức khỏe giảm 1,5%. Biên bản cuộc họp của Fed ngày 27 – 28/7 cho thấy có lo ngại khác nhau về lạm phát và nhu cầu chuẩn bị ứng phó trong khi có quan điểm cho rằng cần thêm thời gian và sự kiên nhẫn từ Fed để giúp người Mỹ có việc làm trở lại. Nhà đầu tư đang tìm kiếm các dấu hiệu khi nào Fed sẽ bắt đầu siết chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại, bao gồm giảm quy mô chương trình mua trái phiếu – lực đẩy quan trọng giúp S&P tăng gần gấp đôi so với đáy tháng 3/2020.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu biến động trái chiều vào thứ Tư, khi các nhà đầu tư theo dõi dữ liệu lạm phát. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đi ngang. Cổ phiếu du lịch và giải trí dẫn đầu mức tăng, tăng 1,2%, trong khi các công ty khai thác hoạt động kém nhất, giảm 2,2%. Những người tham gia thị trường đã theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế. Dữ liệu lạm phát của Anh tháng 7 cho thấy mức giảm bất ngờ xuống 2%. 

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,46%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,59% còn Topix tăng 0,44%. Chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và các khu vực khác đến ngày 12/9, Kyodo News đưa tin. Thị trường Trung Quốc đi lên với Shanghai Composite tăng 1,11% còn Shenzhen Component tăng 0,721%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,35%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,5%. ASX 200 của Australia ở chiều ngược lại, giảm 0,12%. Ngân hàng Dự trữ New Zealand hôm nay thông báo giữ nguyên chính sách tiền tệ, lãi suất vẫn là 0,25%. Giới phân tích từng dự đoán New Zealand có thể là nền kinh tế phát triển đầu tiên tại châu Á – Thái Bình Dương tăng lãi suất trong thời kỳ đại dịch.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 18/08, VN-Index giảm 2,15 điểm (-0,16%) xuống 1.360,94 điểm. Toàn sàn có 172 mã tăng, 197 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,5%) lên 344,82 điểm. Toàn sàn có 123 mã tăng, 85 mã giảm và 77 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,3%) lên 94,48 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.931 tỷ đồng, giảm 9%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 8% xuống 22.550 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng ở sàn HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trong phiên sáng 18/08, VN-Index giằng co quanh tham chiếu khi áp lực bán ra tại VHM tiếp tục gây áp lực lên thị trường, nhưng bù lại MSN, VCB và VIC trở thành đối trọng, giúp thị trường cân bằng, thậm chí đóng cửa với sắc xanh nhạt. Bước vào phiên giao dịch chiều 18/08, diễn biến những phút đầu vẫn không có gì thay đổi khi thị trường giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Tuy nhiên, sau gần 1 tiếng giao dịch, lực cầu bắt đáy chảy mạnh đã giúp VHM bật tăng hơn 2,2% lên ngưỡng 113.500 đồng, trước khi quay đầu giảm trở lại trước áp lực chốt lời vẫn lớn. Phút lóe sáng của VHM cũng kéo VN-Index lên test lại vùng 1.370 điểm, sau đó nhanh chóng quay đầu giảm trở lại theo đà của VHM, thậm chí chỉ số này còn bị giảm gần 14 điểm, từ ngưỡng 1.370 điểm cao nhất phiên xuống xuống mức 1.356 điểm, xác lập đáy của ngày trước khi hồi trở lại gần sát tham chiếu. Tuy nhiên, giống như phiên 17/08, khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ theo đà bật trở lại lên trên tham chiếu như phiên cuối tuần trước, thì đợt bán ra ở đợt ATC khiến VN-Index lùi trở lại, đóng cửa ghi nhận phiên điều chỉnh thứ 2 liên tiếp, với giá đóng cửa gần như ngang bằng giá mở cửa. Thị trường có thêm phiên thứ 7 tích lũy trong vùng 1.350 - 1.380 điểm tương ứng với 2 ngưỡng Fibo 61,8 và 78,6 phục hồi từ vùng đáy 1.240 điểm. Hiện VN-Index nằm đúng trên đường giá trung bình 5 ngày (MA5), tạo hy vọng về khả năng phục hồi của thị trường ngay phiên tới. Tuy nhiên, ở thời điểm này, rủi ro bắt đầu dâng cao, nên việc mua mới cần thận trọng và tránh việc mua đuổi giá xanh. Thay vào đó, chúng tôi ưu tiên, tận dụng nhịp tăng của thị trường và căn bán, thực hiện hóa lợi nhuận tại ngưỡng kháng cự trên.

--------------------------

CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG

☎️ 091 841 0277

💻  http://www.apsi.vn/

🏢  32 Hòa Mã, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội