ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 14/06/2021

14/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Giải quyết việc làm là nhiệm vụ hóc búa nhất đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong thời Covid-19. Gần 10 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động vẫn trong tình trạng thất nghiệp, dù số việc làm trống đạt mức kỷ lục 9,3 triệu trong tháng 4, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ. Thực tế, người Mỹ càng sớm trở lại với công việc, thì người sử dụng lao động sẽ phải chi trả nhiều hơn. Khi đó, mức lương cao hơn (so với trợ cấp thất nghiệp) sẽ đẩy giá cả hàng hóa tăng lên và có thể dẫn đến các áp lực lạm phát dài hạn trên mức bình thường mà Fed đang cố gắng tránh. Tỷ lệ lạm phát có tầm quan trọng thiết yếu đối với quỹ đạo phát triển kinh tế. Lạm phát tăng quá cao có thể buộc Fed phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến, dẫn đến những tác động lớn đến một nền kinh tế phụ thuộc vào nợ và ràng buộc chặt chẽ với lãi suất thấp.

Theo dữ liệu từ Drewry Shipping, chi phí để vận chuyển 1 container hàng hóa kích thước 40 feet bằng đường biển từ Thượng Hải tới Rotterdam hiện đã chạm mức cao kỷ lục 10.522 USD – tăng 547% so với mức trung bình 5 năm gần đây. Vì 80% hàng hóa trên toàn thế giới được vận chuyển bằng đường biển, cước phí tăng đe dọa sẽ kéo theo giá của mọi mặt hàng đều tăng, từ đồ chơi trẻ em, đồ nội thất, linh kiện ô tô đến cả những thứ nhỏ nhặt như café, đường. Điều này khiến nỗi lo về lạm phát càng tăng lên trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn đang đến từ nhiều phía. Hiện thị trường đang phải cùng lúc đối mặt với một loạt yếu tố căng thẳng: nhu cầu tăng vọt, tình trạng thiếu container, các cảng tắc nghẽn và cả thiếu tàu cũng như thiếu công nhân bốc dỡ tại cảng. Hệ quả là mọi tuyến đường đều phải chịu sức ép lớn. Gần đây dịch bệnh lại bùng phát tại một số trung tâm xuất khẩu của châu Á như tại một số cảng của Trung Quốc khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Các chặng đường dài bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ví dụ chi phí vận chuyển hàng từ Thượng Hải đến Rotterdam hiện cao hơn 67% so với tới bờ Tây nước Mỹ.

Như đã thông tin, trong tháng 5, đầu tháng 6, nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi biểu lãi suất huy động, trong đó, một số ngân hàng đã tăng thêm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, tại SHB, ở kỳ hạn 36 tháng,lãi suất khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm, đều tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 4. Tương tự, các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm. Hay tại đợt điều chỉnh ngày 29/05, Bac A Bank tăng 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân ở tất cả các kỳ hạn. Lãi suất ở kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên mức 5,9%/năm và 12 tháng là 6,3%/năm. Tương tự, Sacombank tăng 0,1 – 0,2 %/năm đối với hồi tháng 4. Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5%/năm.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones tăng 13,36 điểm, tương đương 0,04%, lên 34.479,6 điểm. S&P 500 tăng 8,26 điểm, tương đương 0,19%, lên 4.247,44 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.239,18 điểm thiết lập ngày 10/6. Nasdaq tăng 49,09 điểm, tương đương 0,35%, lên 14.069,42 điểm. Chốt tuần, Dow Jones giảm 0,8%, kết thúc đợt tăng 2 tuần liên tiếp, Nasdaq tăng 1,9% còn S&P 500 tăng 0,4%. Trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, tài chính và công nghệ dẫn đầu đà tăng còn ở chiều ngược lại là chăm sóc y tế. Cả ba chỉ số đều biến động với biên độ hẹp do thị trường có ít xúc tác để thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán châu Âu. Các thị trường châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư theo dõi sự gia tăng mạnh của lạm phát ở Mỹ, với nhiều chiến lược gia tin rằng nó chỉ là tạm thời. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,7% vào cuối phiên, ghi nhận phiên tăng thứ sáu liên tiếp. Tất cả các ngành đều đạt mức tăng trưởng tích cực, dẫn đầu là nguồn lực cơ bản, tăng 1,9%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,36%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,03% còn Topix giảm 0,14%. Thị trường Trung Quốc đi xuống với Shanghai Composite giảm 0,58%, Shenzhen Component giảm 0,62%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,33%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,77%. ASX 200 của Australia tăng 0,13%. Chỉ số BSE Sensex của Ấn Độ tăng lên 52.641,53 điểm, vượt đỉnh lịch sử 52.516,76 điểm thiết lập hồi tháng 2, theo số liệu từ Refinitiv Eikon.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Thị trường chứng khoán điều chỉnh trong tuần từ 7-11/6 với việc VN-Index giảm 22,31 điểm (-1,6%) so với tuần trước và xuống mức 1.351,74 điểm. HNX-Index cũng giảm 13,07 điểm (4%) xuống 316,69 điểm. UPCoM-Index giảm 1,66 điểm (-1,83%) xuống 88,93 điểm.

Một điểm đáng chú ý trong tuần qua là việc khối ngoại giảm đáng kể giá trị bán ròng xuống còn 730 tỷ đồng, tương ứng giá trị bán ròng ở mức 32,5 triệu cổ phiếu. Dòng vốn này giao dịch vẫn sôi động mua mua vào gần 214 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra 246 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 9.657 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra ở mức 10.386 tỷ đồng.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư rằng phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/06 thị trường tiếp tục quay đầu giảm bởi những diễn biến không thực sự tích cực vào cuối phiên. Tuy nhiên, sau những rung lắc nhỏ đầu phiên sáng 11/06, thị trường đã bứt phá mạnh mẽ nhờ lực đẩy từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Về diễn biến thị trường phiên 11/06, nhóm chứng khoán với ngân hàng bùng nổ trở lại đặc biệt là nhóm ngân hàng qua đó là lực kéo chính của thị trường với CTG tăng kịch trần từ khá sớm, những mã lớn khác như MBB, HDB, TCB, STB có mức tăng khoảng 4-5% sắc xanh lan tỏa khắp nhóm ngân hàng ngoại trừ VPB và SGB đóng cửa trong sắc đỏ nhưng mức giảm điểm không nhiều. Nhóm chứng khoán với sự tăng tốc mạnh của SSI (+6.6%); HCM,VND, SHS, FTS... cũng đều có mức tăng trên 3%.  Nhóm dầu khí sau 2 phiên gần nhất giảm mạnh cũng đã bật tăng trở lại với mức tăng gần 4% tại PVS, PVT, BSR...Có thể nói sắc xanh lan tỏa hầu hết các nhóm ngành trong phiên 11/06 với mức tăng khá ấn tượng như bất động sản với DXG tăng trần sau chuỗi 4 phiên giảm mạnh, xây dựng với HUT, PHC tăng trần, thép, … Ở chiều ngược lại, trái ngược với đà bùng nổ của hầu hết các nhóm ngành, 2 nhóm ngành là điểm nhấn trong phiên đỏ lửa ngày 10/06 là phân bón và thủy sản đã chững lại trong phiên 11/06. Nhóm phân bón chịu áp lực điều chỉnh nhẹ ngay từ đầu phiên trong khi đó nhóm thủy sản vẫn duy trì được đà tăng khá tốt từ phiên 10/06 nhưng áp lực bán mạnh khiến giá cổ phiếu nhóm này đuối về cuối phiên. Về diễn biến thị trường sắp tới, chúng tôi cho rằng việc thị trường tăng khá tốt trong phiên 11/06 cho thấy nhịp điều chỉnh vừa rồi cơ bản hoàn thành bất chấp phiên tới là hàng bắt đáy T3 về tới tài khoản, tuy nhiên chúng tôi đánh giá thị trường sẽ biến động nhẹ trong phiên. Về xu hướng thời gian tới sẽ vẫn tích cực nhưng chúng tôi lưu ý sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và dòng tiền sẽ hướng tới những nhóm ngành dự báo có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 090 323 54 34

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội