ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 06/07/2021

06/07/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Hôm thứ Hai (5/7), Trung Quốc đã thông báo điều tra thêm hai công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ, một ngày sau khi nước này ra quyết định cấm ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing ra khỏi các cửa hàng ứng dụng sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng khổng lồ tại Mỹ. Cụ thể, trong hôm Chủ nhật (4/7), Cơ quan Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành lệnh cấm ứng dụng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng nước này với lý do "vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân mà không chấp thuận giải trình". Được biết, Didi Chuxing là công ty dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc với gần 500 triệu người dùng và 15 triệu tài xế và đã huy động được 4,44 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York ở Mỹ hôm 30/6. Đây cũng là một trong những thương vụ IPO lớn nhất tại Mỹ trong thập kỷ qua.

Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - hai thành viên lâu đời tại OPEC - đang bất đồng về chính sách sản lượng. Điều này làm dấy lên hoài nghi về những bước đi tiếp theo của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, và tương lai của liên minh này khi thỏa thuận hạn chế nguồn cung hiện tại hết hạn vào tháng 4/2022. OPEC+ hạn chế nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ năm ngoái để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh lực cầu sụp đổ vì Covid-19. Tính đến tháng 7, mức hạn chế sản lượng đang là 5,8 triệu thùng/ngày. OPEC+ ngày 1/7 bắt đầu đàm phán về chính sách sản lượng, trên đà thông qua đề xuất nới lỏng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 - đồng nghĩa đưa ra thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày vào cuối năm. Đề xuất còn kêu gọi lùi thời điểm hết hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung về tháng 12/2022. Ý định này bị xáo trộn sau khi UAE lên tiếng phản đối tại phiên họp của ủy ban giám sát OPEC+ cùng ngày. Ủy ban tiếp tục làm việc ngày 2/7 nhưng thế bế tắc chưa được giải quyết và một lần nữa lùi sang ngày 5/7.

Dự kiến, trong quý III/2021 sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV/2021 có khoảng 27-28 triệu liều vaccine Pfizer/BioNtech về Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2021, Bộ Y tế đã đàm phán và ký hợp đồng với Pfizer/BioNtech về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng này. Ngày 12/6, Bộ Y tế cũng đã có quyết định phê duyệt vaccine COVID-19 Cominarty của Pfizer/BioNtech cho nhu cầu cấp bách phòng chống dịch. Đây là loại vaccine COVID-19 thứ 4 được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách phòng dịch. Vaccine này được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), được sản xuất tại Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ và BioNTech Manufacturing GmbH, Đức. Mỗi lọ vaccine có 6 liều. Tại quyết định này, Bộ Y tế giao Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu vaccine Comirnaty theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu...

Chứng khoán Mỹ. Thị trường Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch trong ngày lễ Quốc Khánh.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu biến động trái chiều vào thứ Hai khi các thị trường theo dõi giá dầu trước cuộc họp căng thẳng của OPEC +. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,22%, với nguồn lực cơ bản tăng 1,5% trong khi cổ phiếu chăm sóc sức khỏe giảm 0,5%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,11%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,64% còn Topix giảm 0,37%. Thị trường Trung Quốc đại lục đi lên từ đầu phiên với Shanghai Composite tăng 0,44% còn Shenzhen Component tăng 0,327%. Hang Seng của Hong Kong giảm 0,59%. Cổ phiếu công nghệ tại châu Á hầu hết giảm giá. Tại Hong Kong, Tencent giảm 3,57% còn Alibaba giảm 2,83%, Meituan giảm 5,59%. Chỉ số Hang Seng TECH giảm 2,28%. Tại Nhật Bản, SoftBank giảm 5,39%. Cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh sau khi Trung Quốc cho rằng ứng dụng Didi, được SoftBank hậu thuẫn, thu thập thông tin cá nhân và yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ Didi. Vài ngày trước đó, Didi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit dịch vụ tháng 6 của Trung Quốc là 50,3 điểm, giảm đáng kể so với mức 55,1 điểm của tháng 5. PMI trên 50 điểm phản ánh sự mở rộng và ngược lại. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,35%. ASX 200 của Australia tăng 0,09%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết phiên 05/07, VN-Index giảm 9,14 điểm (-0,64%) xuống 1.411,13 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 287 mã giảm và 28 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,08%) xuống 327,76 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 158 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 90,47 điểm.

Việc hệ thống mới đi vào hoạt động giúp thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với các phiên trước dù vậy vẫn còn khá khiêm tốn so với một vài phiên kỷ lục trước đó. Tổng giá trị giao dịch đạt 33.200 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 30.800 tỷ đồng, riêng sàn HoSe, giá trị khớp lệnh đạt 25.900 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng trở lại khoảng 70 tỷ đồng trên HoSE.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Với mỗi nhà đầu tư, phiên sáng là một sự thử thách. Việc thị trường lao dốc mạnh ngay từ đầu phiên đã tạo viễn cảnh về một phiên "rũ bỏ", nhưng lực bán chưa thực sự lớn khiến VN-Index khi chạm vào mốc tâm lý 1.400 điểm đã phục hồi. Như đề cập trong bản tin sáng 05/07, nhiều cổ phiếu sau chuỗi giảm điểm mạnh đã chạm các ngưỡng hỗ trợ nên hút mạnh lượng tiền bắt đáy, điều này giúp chỉ số chung không bị giảm sâu. Tuy nhiên, tâm lý thiếu lạc quan vẫn tồn tại. Diễn biến phiên giao dịch chiều 05/07 cho thấy điều này, VN-Index thêm một lần kiểm định lại ngưỡng 1.400 điểm, thậm chí đã xuyên qua để chạm ngưỡng 1.395 điểm, rồi mới thực sự phục hồi, giúp nhiều nhà đầu tư "thở phào" khi viễn cảnh phiên rũ bỏ chưa xảy ra. Điểm nhấn giao dịch thuộc về cổ phiếu TCB. Với đà tăng khá tích cực của phiên sáng nhờ "tin đồn" chia cổ tức 56%, giá cổ phiếu TCB đã nhanh chóng thử thách thành công mức giá trần trong phiên chiều, bất chấp thị trường lao dốc mạnh. Trả lời Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo ngân hàng này cho biết: "Không xác nhận thông tin này". Hiểu điều này có nghĩa không phủ nhận và cũng không xác nhận! Trong phiên chiều, TCB có chút hạ nhiệt bởi áp lực chốt lời gia tăng nhưng đây vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng, đồng thời là trợ lực tốt cho thị trường khi kết phiên tăng 6,8% lên sát mức giá trần 58.000 đồng/CP. Thanh khoản của TCB cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 thị trường, lên tới 47,55 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, các cổ phiếu khác của ngân hàng cũng tăng tốt như STB tăng 3,5% lên 32.600 đồng/CP và khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 53,69 triệu đơn vị; TPB tăng 4,1% lên 39.300 đồng/CP; ACB tăng 5,1% lên 37.950 đồng/CP; EIB, OCB và LPB đều tăng hơn 1%; còn VPB, VIB, HDB, MSB tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Trong nhóm ngân hàng chỉ còn VCB, BID, CTG, MBB vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ dù biên độ giảm không quá lớn chỉ trên dưới 1%. Ngoài điểm sáng là dòng bank, một số mã trong nhóm VN30 cũng đóng vai trò hỗ trợ thị trường như FPT và VHM xanh nhạt, đáng kể là MWG tiếp tục nới rộng biên độ và về sát vùng đỉnh trong phiên sáng khi tăng 6,2%, kết phiên tại mức giá 166.500 đồng/CP. Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30 sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo với 22 mã giảm. Trong đó đáng chú ý, bên cạnh MSN đã bật mạnh đi lên và thoát nằm sàn khi kết phiên chỉ còn giảm 2% và đứng tại mức giá 111.600 đồng/CP, thì VRE vẫn đứng tại mức giá sàn 29.500 đồng/CP, giảm 6,9%.

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội