ĐIỂM TIN ĐẦU GIỜ NGÀY 29/06/2021

29/06/2021 - Huy
  1. TIN NỔI BẬT

Liều đầu tiên, 2 triệu liều vaccine Pfizer được Mỹ chuyển đến Peru vào hôm 28/6, một quan chức Nhà Trắng nói với CNN. Cùng ngày, Mỹ cũng vận chuyển 2,5 triệu liều vaccine Moderna đến Pakistan thông qua sáng kiến COVAX. COVAX là sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm cung cấp vaccine một cách bình đẳng cho các quốc gia, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Liên minh Toàn cầu về tiêm chủng Gavi và một số tổ chức khác đồng triển khai. Trước đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ phân phối 80 triệu liều vaccine của Mỹ cho các nước khác, với 75% chảy qua cơ chế COVAX và phần còn được chuyển tới các quốc gia đang đối phó với đỉnh dịch, cũng như các nước láng giềng Tây Bán cầu và một số khu vực ưu tiên khác

Chỉ số lạm phát chính mà Cục dự trữ liên bang Mỹ sử dụng để thiết lập chính sách đã tăng 3,4% trong tháng 5 so với một năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1990. Đây là đánh giá mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ về tình hình lạm phát. Mặc dù mức tăng trên là lớn nhất kể từ tháng 4/1992, nhưng nó khớp với ước tính của Dow Jones và các thị trường ít phản ứng với thông tin này. Chứng khoán Mỹ hầu hết vẫn ghi nhận mức tăng vững chắc, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vừa phải. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 5 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và dẫn đến áp lực giá cả, đồng thời cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc ra sao kể từ sau lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 vào năm 2020. Dù mối lo lạm phát gia tăng đã xuất hiện sau công bố thông tin lạm phát tháng 5, các quan chức Fed vẫn cho rằng tình hình lạm phát hiện chỉ là tạm thời và có khả năng sụt giảm khi các điều kiện trở lại bình thường.

Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch đang bước sang một giai đoạn mới khi nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu kế hoạch rút các biện pháp kích thích khẩn cấp. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới thời điểm cắt giảm kích thích đã củng cố xu hướng toàn cầu khi Ngân hàng Trung ương Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Hàn Quốc và New Zealand cũng đang có kế hoạch tương tự. Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chuyển hướng và đang tập trung vào việc kiểm soát nợ trong khi đảm bảo những bộ phận của nền kinh tế vẫn cần đủ thanh khoản. Tương tự, trong tuần qua, Mexico, Hungary và Cộng hòa Séc đã tăng lãi suất sau các đợt tăng vào đầu năm 2021 từ Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, quỹ Asian Growth Cubs ETF (CUBS) đã giải ngân phiên đầu tiên vào TTCK Việt Nam với giá trị 1,77 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (DCVFMVN Diamond) có tỷ trọng lớn nhất danh mục với 11,89%, các cổ phiếu Việt Nam tiếp theo đến VCI của Chứng khoán Bản Việt, SAB của Sabeco, KDH của Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền… Trước đó, Dawn Global đã công bố ra mắt quỹ CUBS, được niêm yết trên Sàn chứng khoán NewYork (NYSE). CUBS là quỹ ETF chuyên đầu tư vào cổ phiếu tại các thị trường mới nổi và cận biên. CUBS mang tới nhà đầu tư cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, đang phát triển nhanh như Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Philippines và Việt Nam, đây là 5 nền kinh tế có tăng trưởng GDP trên 6%/năm kể từ năm 2000. Ngoài ra, Bangladesh và Việt Nam có tăng trưởng trong 40 năm liên tiếp, ngay cả trong năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát. Dawn Global đang tiếp cận các thị trường mới nổi thông qua việc định vị CUBS là một quỹ ETF, được thiết kế theo chủ đề đầu tư và đa dạng hóa theo khu vực.

Chứng khoán Mỹ. Dow Jones giảm 150,57 điểm, tương đương 0,44%, xuống 34.283,27 điểm. S&P 500 tăng 9,91 điểm, tương đương 0,23%, lên 4.290,61 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.280,69 điểm thiết lập hôm 25/6. Nasdaq tăng 140,12 điểm, tương đương 0,98%, lên 14.500,51 điểm, vượt đỉnh lịch sử 14.369,71 điểm thiết lập hôm 24/6. Đây là phiên lập đỉnh lịch sử thứ ba liên tiếp của S&P 500. Cổ phiếu các công ty công nghệ lớn như Facebook, Netflix và Nvdia nằm trong nhóm lực đẩy lớn nhất đến S&P 500 và Nasdaq. Trái lại, lĩnh vực mang tính chu kỳ giảm sâu trong bối cảnh lo ngại số ca Covid-19 tăng ở châu Á. Lĩnh vực tài chính và năng lượng giảm sâu nhất S&P 500, lần lượt mất 0,81% và 3,33%.

Chứng khoán châu Âu. Chứng khoán châu Âu giảm điểm vào ngày thứ Hai khi các nhà đầu tư theo dõi dịch Covid-19 đang gia tăng trên toàn cầu. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,3%, với cổ phiếu du lịch và giải trí giảm 2,7% trong khi cổ phiếu chăm sóc sức khỏe tăng 0,4%.

Thị trường chứng khoán châu Á. Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản tăng 0,01%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,06% còn Topix tăng 0,15%. Thị trường Trung Quốc trái chiều từ đầu phiên với Shanghai Composite giảm 0,03% còn Shenzhen Component tăng 0,975%. Sở giao dịch chứng khoán và bù trừ Hong Kong (HKEX) thông báo hoãn giao dịch phiên sáng đối với cả thị trường chứng khoán và phái sinh do ảnh hưởng từ bão. Thị trường Hong Kong giao dịch trở lại trong phiên chiều, Hang Seng đóng cửa giảm 0,07%. Số liệu công bố ngày 27/6 từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp tháng 5 tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này hồi tháng 4 là 57%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,03%. ASX 200 của Australia giảm 0,01%.

  1. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Kết thúc phiên giao dịch 28/06, VN-Index tăng 15,69 điểm (1,13%) lên 1.405,81 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng, 157 mã giảm và 54 mã đứng giá. VN30-Index tăng 21,11 điểm (1,41%) lên 1.521,41 điểm. HNX-Index tăng 4,88 điểm (1,53%) lên 323,1 điểm. Toàn sàn có 124 mã tăng, 114 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,36%) lên 89,8 điểm.

Thanh khoản tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 27.670 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 25.800 tỷ đồng riêng HoSE là 21.500 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 200 tỷ đồng trên HoSE trong khi mua ròng nhẹ ở HNX và UPCoM.

  1. NHẬN ĐỊNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN APG.

Gác lại những lo lắng về thanh khoản suy yếu, thị trường trong vùng trống thông tin hỗ trợ, dòng tiền sôi động đã nhập cuộc ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần giúp thị trường lên một đỉnh cao mới. Tâm lý hưng phấn này khiến giới đầu tư không khỏi kỳ vọng vào diễn biến phiên giao dịch chiều sẽ duy trì đà tăng mạnh. Một nhà đầu tư lâu năm cho rằng, không phải quá lạc quan, nhưng dấu hiệu này tốt cho thị trường. Thị trường phiên giao dịch chiều 28/06 có thể bứt phá tiếp để hệ thống có thể test thành công trong một vài ngày tới! Không nằm ngoài dự đoán trên, thị trường vẫn duy trì đà tăng khá tốt giúp VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ tăng. Mặc dù sau đó nhiều mã đã “hụt hơi” khi leo đỉnh khiến VN-Index không giữ được ngưỡng kháng cự 1.400 điểm, nhưng chốt phiên 28/06 vẫn tạo thêm 1 cây nến xanh tích cực với thanh khoản cải thiện so với 2 phiên liền trước. Đây có thể là tín hiệu giúp nhà đầu tư kỳ vọng con sóng lớn sẽ sớm quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi sàn HOSE đang có những bước đi cuối cùng trong cuộc đại phẫu “thay tim”. Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm để kiểm tra vùng kháng cự gần 1.410-1.415 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.420-1.425 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

 

Analysis department of APG Securities Joint Stock Company

#DIEMTINSANG_APG

--------------------------

CÔNG TY CP CHỨNG KHOÁN APG

🌐 Website: http://www.apsi.vn/

📞 Hotline: 091 841 0277

📍 Address: 32 Hòa Mã, Hai Bà Trưng Hà Nội