Bản tin thị trường ngày 17/01/2023 - BỨT PHÁ TẠI VÙNG TÍCH LŨY
Tổng kết thị trường phiên giao dịch 17/01:
VNIndex đóng cửa 1088.29 điểm, tăng 21.61 điểm tương ứng với 2.03% với thanh khoản lớn. Về diễn biến cụ thể, chỉ số tiếp tục diễn biến giao dịch chậm rãi trong phiên sáng giống như những phiên trước, tuy nhiên điểm đáng chú ý là lực cầu đã có dấu hiệu tích cực hơn và sắc xanh bắt đầu có sự lan tỏa từ một số cổ phiếu vốn hóa trung bình thuộc các ngành xây lăp và vật liệu xây dựng sang nhiều nhóm ngành khác như ngân hàng, chứng khoán,... Sang đến phiên chiều, tốc độ giao dịch tiếp tục được đẩy mạnh hơn và điểm nhấn trong phiên diễn ra vào nửa cuối phiên chiều với giao dịch bùng nổ kể từ sau 14 giờ và chỉ số nới rộng mức tăng thêm hơn 10 điểm. Thị trường cũng ghi nhận hơn 350 mã tăng điểm trên HSX với nhiều mã tăng trần, trong đó đáng chú ý nhất là nhóm thép (HPG, HSG, NKG) cũng như sắc xanh đồng thuận của nhóm bất động sản và ngân hàng.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng 795.93 tỷ tập trung vào các mã HPG, STB, SSI, VND.
NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG CHỈ SỐ
VN Index đóng cửa tạo một nến xanh tăng điểm có tính chất phá vỡ xu hướng tích lũy. Thanh khoản cũng có sự cải thiện trong phiên hôm nay, dù vẫn chưa thực sự bứt lên so với những phiên gần đây. Chỉ báo RSI tại khung đồ thị ngày đã hướng lên trở lại nhưng đang tiệm cận mức quá mua, tuy nhiên MACD vẫn đang khá an toàn và củng cố cho xu hướng hiện tại trong ngắn hạn. Theo đó, nhà đầu tư có thể mua gia tăng thêm trong những phiên trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở những cổ phiếu chưa tăng giá nhiều trong phiên hôm nay thuộc các nhóm ngành thường vận động cùng pha với xu hướng thị trường như ngân hàng, chứng khoán cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn và có thể canh chốt lời trong những phiên giao dịch đầu tiên sau khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch kết thúc, đồng thời hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng các phiên gần đây.
TIÊU ĐIỂM TIN
- Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 25 quốc gia nợ trên đầu người cao nhất thế giới hầu hết là những đất nước có nền kinh tế phát triển nhất. Theo giải thích của Insider Monkey, các quốc gia có nền kinh tế nhỏ hơn cũng không có khả năng vay nhiều tiền. Đó là lý do tại sao tổng nợ và nợ bình quân đầu người của họ thường thấp. Điều trên cũng lý giải cho việc các quốc gia ít phát triển thường ở trong tình thế kinh tế tồi tệ, mặc dù có khoản nợ bình quân đầu người thấp. Các nước này không có dự trữ hoặc khả năng thanh toán các khoản vay. (Nguồn: cafef.vn)
- Trong báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo tác động dài hạn của sự phân mảnh (chia tách) về thương mại có thể dao động 0,2-7% GDP toàn cầu. Mức thiệt hại 7% tương đương GDP của cả Đức và Nhật Bản cộng lại. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 16/1 khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) với chủ đề "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh". IMF cho rằng nếu tính thêm cả sự phân mảnh về công nghệ giữa các khu vực, một số quốc gia có thể ghi nhận GDP giảm tới 12%. Dù vậy, nghiên cứu trên không đề cập đến việc tình trạng phân mảnh kéo dài bao lâu thì mới tác động đến tăng trưởng ở mức độ này. (Nguồn: cafef.vn)
- Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đề xuất thu thuế riêng với chứng khoán phái sinh và áp thuế cao hơn với người có thu nhập từ nền tảng số. Những đề xuất này được đề cập trong dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để trình lên Chính phủ. Với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế hiện nay được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất 0,1%. Luật Chứng khoán 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên, có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh. Theo dự thảo, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nền kinh tế đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với chứng khoán phái sinh (Anh, Pháp, Đức, Lucxembourg, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada, Thái Lan). (Nguồn: vneconomy.vn)
CỔ PHIẾU ĐÁNG CHÚ Ý
- LNTT Thực phẩm Bích Chi (BCF) quý 4 đạt 15 tỷ đồng, giảm 15%, lũy kế cả năm lãi 136 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái.
- LNTT Đạt Phương (DPG) quý 4 đạt 169 tỷ đồng, tăng 7%, lũy kế cả năm đạt 595 tỷ đồng, tăng 15%.
- Nhiệt điện Hải Phòng (HND) báo lỗ 7,2 tỷ đồng trong quý 4, lũy kế cả năm vẫn lãi 601 tỷ đồng, tăng 25%.- LNTT FPT quý 4 tăng 13% lên 1.989 tỷ đồng, năm 2022 tăng 21% lên 7.654 tỷ đồng, doanh thu khối công nghệ cán mốc 1 tỷ USD.
- Tisco (TIS) báo lỗ 17 tỷ đồng trong quý 4 , LNTT cả năm đạt 6 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2021.
- May mặc Bình Dương (BDG) lãi quý 4 gấp 9 lần cùng kỳ lên 112 tỷ đồng, cả năm lãi 278 tỷ đồng, gấp 3 lần năm ngoái.
LNTT Dịch vụ biển Tân Cảng (TOS) đạt 57 tỷ đồng trong quý 4, tăng 4% và 205 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 13%.
Bản tin thị trường ngày 17/01/2023 - BỨT PHÁ TẠI VÙNG TÍCH LŨY